Mẹ và những yêu thương.
top of page
  • Ảnh của tác giả

Mẹ và những yêu thương.

Có những ngày Bảo Lộc mưa lớn, một mình cô giữa đồi chè bát ngát, đứng từ sáng đến chiều ướt hết người để hái từng cọng chè.

Để nói gì về những người mẹ, người vợ Việt Nam đây? Tôi chỉ biết kể lại cảm nhận mà tôi được tin tưởng chia sẻ từ các mối quan hệ xung quanh của mình… Thật khó có từ ngữ nào diễn tả được hết tấm lòng bao la của người mẹ, đặc biệt là với người phụ nữ Việt Nam…

Tuy chưa được làm mẹ, nhưng tôi lại được dịp tiếp xúc và quan sát, cũng như được nghe những câu chuyện rất hay về mẹ- người phụ nữ trong gia đình. Cũng là phái yếu, tôi hiểu hơn bao giờ hết những khuyết điểm vốn có của mình, nó vốn là bẩm sinh, là điều Chúa đặt để trong người nữ. Nhưng vì hiểu những điều ấy, tôi lại càng cảm thấy khâm phục các người phụ nữ trong vai trò làm mẹ, làm vợ trong một gia đình, hơn thế nữa, họ là một điểm tựa rất vững mạnh về tinh thần cho rất nhiều người. Một sự khác biệt lớn hơn tôi thấy nằm ở người phụ nữ Việt. Họ là những người có ý chí và nghị lực kiên cường. Có thể nói rằng tôi quy chụp, nhưng bởi đã có rất nhiều dịp tiếp xúc với bạn bè quốc tế, tôi hiểu điều này mà càng thấy thương phụ nữ Việt Nam biết bao.

Trong những dịp tâm tình để hiểu rõ hơn về tính cách của học viên, tôi đặt câu hỏi: “Ai là người mạnh hơn và lo nhiều việc hơn trong gia đình các bạn?”. Thật ngạc nhiên khi tám trong mười câu trả lời đều là “Mẹ”. Đến 80% các phụ huynh liên lạc với tôi để quan tâm con đều là “Mẹ”. Hỏi mười bạn thì đến tám bạn nói con thương “Mẹ” nhiều hơn. Mười bữa cơm gia đình thì hơn tám bữa cơm được chuẩn bị từ người mẹ. Vậy chỉ bài cho các con thì sao, chỉ có 20% trong số họ là “Bố”. Vậy đi mua sắm, hay lên lịch đi chơi, “Mẹ làm hết á cô”. Tâm sự với con cái: “Con ít nói chuyện với bố lắm, con chỉ kể được với mẹ thôi”.

Tỷ lệ 80/20 nhiều lần xuất hiện trong các tình huống về vai trò của người mẹ. Sẽ có nhiều người thấy khó chịu khi đọc những điều tôi đang ghi. Nhiều người chồng, người cha hiện đại đang tích cực thay đổi để người phụ nữ của mình được hạnh phúc trong vai trò làm vợ- điều này thấy rõ hơn hết trong gia đình trẻ. Nhưng bao nhiêu phần trăm trong số họ đang sống trong các thành phố lớn? Và là người đàn ông trụ cột trong gia đình thì luôn chịu trách nhiệm lo đại sự, phát triển tài chính của gia đình. Nhưng “Mẹ con kiếm tiền giỏi lắm cô”, “Mẹ con giỏi ứng xử hơn ba”- trò tôi tâm sự. Một lần kia học trò nhỏ lớp 4 của tôi nói : “Cô ơi, mai này cô lấy chồng cô đừng chọn người đàn ông chỉ biết nghe lời mẹ nhé, vì người đó không quyết định được việc, cũng không cho cô hạnh phúc được đâu”. Tôi phá lên cười vì giọng em nói cứ như google dịch nói tiếng Việt ấy, em nói xong còn cười “Hê hê hê”. Nhưng mà vì sao em lại nói vậy? Một dấu chấm hỏi khá lớn cho tôi. Tôi xin ngưng kể lại những điều phụ nữ đang đảm nhiệm trong gia đình ở đây, vì tôi hiểu hầu hết chính người trong cuộc đều đang cảm nhận được điều tôi đang tâm tình. Và tôi thương mẹ tôi, thương người phụ nữ Việt biết bao.

Một tâm sự khác mà tôi rất trân trọng từ phụ huynh của mình khi nói về người vợ của anh. Anh nói với tôi rằng anh không giỏi văn chương nhưng lời anh nói thật là từ tấm lòng của mình…Anh viết cho tôi những lời sau: “Là một người rất nóng nảy nhưng qua sự nóng nảy ấy, anh lại cảm nhận được tình thương và lòng bao dung cô ấy dành cho mọi người xung quanh. Khi 18 tuổi thì cô ấy mất mẹ, cô ấy tự lo toan tất cả mọi việc trong gia đình, lúc ấy gia đình còn bố và ba đứa em. Cô ấy đi làm công nhân may mặc để lo cho gia đình. Anh cũng không nghĩ cô ấy làm được một việc lớn lao như thế, rất chu toàn cho gia đình. Lúc đó anh nghĩ trong bụng: cô này không lấy làm vợ thì cô nào nữa. Thế đấy, mặc dù trải qua bao nhiêu biến cố rồi anh cũng lấy được cô ấy. Quả thật không sai, đã sống 20 năm cùng nhau, cô ấy quả yêu chồng thương con hết mực. Chỉ mỗi tội nóng tính vẫn còn. Với anh, cô ấy như thế là trân quý lắm rồi, vị tha, biết nghĩ cho người khác. Anh thật sự thấy anh lấy được cô ấy là một diễm phúc lớn lao của đời anh và con anh cũng thật may mắn khi được cô ấy sinh ra! Cảm tạ vì Chúa đã cho cô ấy đến và ở cùng gia đình anh. Ba cha con anh không thể sống thiếu cô ấy”… Bạn có thấy điều gì đó khác với phụ nữ các nước khác, đặc biệt là phụ nữ phương Tây chứ?

Dịp vừa rồi, tôi có chút thời gian rảnh nên ghé qua nhà thầy Công, người thầy tôi rất quý vì sự giản dị và giàu sự hiểu biết về Chúa. Tôi thích đến nhà thầy, một nơi chứa sự bình yên khôn tả. Đã ba năm qua, khi một mình thầy âm thầm làm việc và chăm sóc vợ thầy bị tai nạn nằm một chỗ nhưng chưa lần nào thầy nhắc về điều này mà thiếu nụ cười. Tôi thấy nụ cười của sự phó thác và yêu thương từ thầy. Tôi thích nghe thầy nói về cuộc sống hôn nhân như nguồn khơi dậy cho tôi về khái niệm tình yêu đích thực. “Thầy ơi, con thấy thầy lúc nào cũng nhẹ nhàng lạc quan, con thấy việc chăm sóc bệnh nhân đâu có dễ…” Thầy lại cười và nói: Thầy không làm vì trách nhiệm và bổn phận, đó là tình yêu thương. Người bệnh rất dễ tủi thân và nhạy cảm, nên mình phải hiểu con à. Mỗi lần chăm sóc cô, thầy lại nhớ về những ngày tháng cực khổ mà cô phải chịu đựng để lo lắng cho gia đình. Hồi mới cưới về, gia đình rất cực khổ, cô bỏ cuộc sống sung sướng, nhiều ngày tháng phải làm việc cực nhọc để nuôi con. Có những ngày Bảo Lộc mưa lớn, một mình cô giữa đồi chè bát ngát, đứng từ sáng đến chiều ướt hết người để hái từng cọng chè. Nhưng cô hay cười lắm, chỉ cười nhẹ nhàng vậy thôi chứ không khó chịu hay la mắng gì ai. Chỉ cần nghĩ đến những điều này thôi, là thầy thấy càng muốn bù đắp lại cho cô rồi…” Tôi và thầy lặng đi trong tiếng chim hót ngoài vườn cùng lá xào xạc rơi…

Tân ơi, Tân viết về mẹ cho cô nghe được không? “Viết được gì cô nhỉ?”. Em chụp màn hình điện thoại về tin nhắn với nội dung: “Nhớ chay xe cân thân nhe k đê xe lê đương công a phat đây”. Tôi sao chép lại nguyên văn, đây là tin nhắn của mẹ bạn ấy gửi cho bạn ấy. Không là người giỏi công nghệ, rành rọt về điện thoại…nhưng tin nhắn này chứa sự quan tâm tưởng chừng như là sự bảo bọc, nhưng không! Đó là tình mẫu tử. “Con cảm thấy mẹ là người hy sinh mọi thứ vì con. Vì con cái mẹ có thể làm mọi điều. Mẹ lúc nào cũng quan tâm, lo lắng cho con. Và mẹ tôn trọng ý kiến của con mặc dù con…” Nhiều người nói rằng, phụ nữ Việt Nam dành sự yêu thương không đúng cách cho con cái. Nhưng ở một cảm nhận khác, chỉ có người phụ nữ mới cảm nhận được hết, rằng vì họ đã trải qua quá nhiều khổ cực, thì họ càng mong muốn cho người họ yêu thương được đầy đủ hơn bao giờ hết, cả về vật chất lẫn tinh thần… Nhưng ai sẽ đứng phía sau để hiểu và giúp họ khi chính phụ nữ Việt Nam qua nhiều thế hệ đã bị chèn ép, bị coi thường và đối xử không công bằng…

Bông hoa nhỏ trong Tình Yêu Chúa

“Có Chúa, con có tất cả”

49 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page